Sống trong những câu chuyện ngụ ngôn Aesop

Có những điều đi vào cuộc sống thật nhẹ nhàng, nó không cường điệu, không vĩ đại hay to lớn, mà nó thật âm thầm, nhỏ bé nhưng lại vô cùng sâu sắc. Những câu chuyện tuổi thơ mà ta được ai đó kể lại hay lượm lặt ở trong một cuốn sách nào đó là những điều như vậy.
Thời gian dần trôi những câu chuyện tuổi thơ khi ta lớn lên chút thì thấy nó thật đơn giản và đơn điệu. Nhưng cũng chính thời gian trôi qua khi ta đã nếm bao mật ngọt hay trái đắng của cuộc đời này ta dần nhận ra những câu chuyện đó mang một giá trị trường tồn và trên hết có một cái nhìn thật ý nhị về những điều đang xảy ra xung quanh.
Và những câu chuyện của Aesop là như vậy.
Hai người đàn ông kia vào rừng thì một con gấu to xuất hiện. Một người nhanh chân trèo nhanh lên cây. Một người chậm hơn đành giả vở nằm nín thở, giả chết. Con gấu đến chỗ người nằm, hít hít vài cái rồi bỏ đi. Người lanh chân liền ra khỏi nơi ẩn nấp hỏi người giả chết hỏi đùa “Con gấu đó đã thì thầm cái gì vào tai anh vậy?” Người kia liền đáp lại “Nó bảo tôi đừng bao giờ đi cùng một người bỏ rơi bạn trong lúc hoạn nạn”
Câu chuyện trên hẳn nhiên đã ghi vào trí nhớ của rất nhiều người bởi sự đơn giản và sâu sắc của nó. Câu chuyện nói tới thái độ của những người đi cùng nhau trên một chuyến hành trình, nghĩa là cùng một mục đích và lý tưởng. Thì việc gặp hoạn nạn hay tai ương vì chính công việc đó thì kẻ kia không có lý do nào lại bỏ rơi bạn mình trong những lúc ấy.
Và những câu chuyện của Aesop vẫn cứ như vậy, nhẹ nhàng đi vào lòng người để rồi sau đó nó chất men ngấm vào trong và trổ ra những hương vị ngây ngất.
Như con quạ khát nước tìm được một cái lọ có nước trong. Cổ nó ngắn không thể uống được. Nó cuối cùng nhặt sỏi bỏ vào lọ cho đến khi nước trào lên và uống cho no nê. 
Truyện cho ta thấy rằng trong những lúc khó khăn người ta tự nhiên sẽ nảy sinh ra những phương cách tuyệt vời giải quyết nó mà bình thường người ta không thể suy nghĩ ra được. “Trong cái khó ló cái khôn”
Còn câu chuyện cậu bé chăn cừu hai lần lừa dối mọi người khi kêu có sói đến sau đó sói đến thật và không ai đến cứu cậu ta. Điều đó nói tới chữ tín trong cuộc sống, nơi con người phải luôn biết thực hiện điều mình nói một cách đáng sức và cố gắng nhất. “Người ta không thể tin kẻ nói dối ngay cả khi hắn nói thật”.
Truyện của Aesop còn mang những ý nghĩa sâu sắc hơn nữa khi nhận diện ra tính cách và suy nghĩ con người khi đối diện với một sự việc. Như câu chuyện Con cáo và chùm nho là một ví dụ.
Chuyện kể rằng có một con cáo đang đói thì phát hiện ra một cây nho. Nho ngon và đầy hấp dẫn cáo. Nhưng khổ thay ba lần bảy lượt cáo ta vì lùn quá mà không thể nhảy lên với tới chùm nho được. Cáo đành bỏ đi và khinh khỉnh buông một lời “Nho còn xanh lắm, chả lẽ mất bao công sức để có được một chùm chua lè”. 
Có rất người tỏ ra chê bai, khinh miệt cái mà họ mong muốn có nhưng không được.
Aesop đã đổ vào trong đó những suy tư về con người, thái độ và cuộc sống. Những suy tư này được kể lại với những hình ảnh rất đỗi quen thuộc và gần gũi. Nghe qua chúng quá đơn giản nhưng dần sau đó người ta bóc tách ra lớp vỏ sù sỉ đơn giản bên ngoài là cả một trái ngon về sự nhận định và đánh giá.
Tuổi thơ chúng ta trôi qua với những bài học nhỏ bé. Và những nhỏ bé không phải là không có giá trị. Đôi khi người ta hành xử trước một vấn đề rồi một lúc nào đó giựt mình mới hay mình chả khác chi một nhân vật trong truyện của Aesop.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment