Thổn thức Đồng Văn

Lẳng lặng nghe những tiếng gió rít trên cao qua những con đường. Mọi thứ như chững lại, thời gian cũng vậy. Trên xa xôi những triền núi cao, ta muốn ôm vào tất cả, muốn thu vào cả một vùng trời. Đây Đồng Văn làm ta thổn thức.

Những con đường rợn gáy



Theo con đường 4C, cách thị xã Hà Giang 132km, cao nguyên đá Đồng Văn hiện lên như một nét chấm phá của đất trời. Mọi thứ ở đó, hùng vĩ, tráng lệ, một kì công mà Tạo Hoá đã tạo ra cho vùng cực Bắc xa xôi này.
Điều đầu tiên gây ấn tượng mạnh mẽ đối với những ai lần đầu tiên đến đây, đó chính là những cung đường trời. Gọi như vậy đúng là không quá đáng khi bạn chứng kiến hết vẻ khúc khuỷa và nguy hiểm luồn lách trên những vách đá rồi bò bò dần lên. Đây thật sự quá đỗi tuyệt vời với những tín đồ thích đi phượt. Chiếc ba lô trên vai, cùng con ngựa máy rồ rồ. 

Tiếng máy nổ đan với tiếng gió
Mùi khói xe cũng đan với mây trời.

Tất cả tạo ra một sự ngây ngất đến tuyệt độ mà những con tim cứ rộn lên và muốn nhảy ra lồng ngực. Và suốt dọc những cung đường xoắn lại leo cao lên đó là những bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, những tạo tác đất trời kì lạ ẩn hiện giữa những làn khói trắng là ngất ngây lòng người. Kìa sống mũi con ngựa – Mã Pì Lèng huyền thoại, kìa núi Đôi Quản Bạ ngây ngất lòng người…đất cả đan xen trong một giấc mơ cháy bỏng giấc mơ của thiên nhiên đang ngủ say và mơ về một thiên đường nơi hạ giới.

Những bậc thang kì công con người


Và đan xen với những kì công mà thiên nhiên khéo léo sắp đặt ấy, con người cũng không ngừng bồi đắp cho mình những giá trị tươi đẹp của cuộc sống và sự hài hoà với thiên nhiên. Những thửa ruộng bậc thang có lẽ là những kì công mà bàn tay con người khéo léo làm nên, vừa nuôi sống cho con người, vừa tạo ra cho thiên nhiên nét quyến rũ lạ kì. Đây chính là một hình thức canh tác nông nghiệp vô cùng độc đáo đã có từ xa xưa hàng ngàn năm trên mảnh đất này. Nơi con người làm bạn với trời và những ngọn núi.

Cao nguyên đá


Và đây cao nguyên đá Đồng Văn, điểm làm nên những huyền thoại mà con người phải ngỡ ngàng. Nơi những núi đá màu xám với những mỏm nhô cao những gai nhọn hoăn hoắt đan xen, nằm rải rác với nhau. Nơi đây tạo ra cho con người một nét hoang sơ đến rợn người, cái hoang sơ không phải rừng rậm, cái hoang sơ không phải biển sâu mà là một nét hoang sơ khó tả. Nơi đá hiện ra với tất sự trần trụi của nó, nó không nhẹ nhàng không thanh thoát mà hiện ra là một sự khô ráp, như một nỗi trăn trở của thiên nhiên. 
Những mảng đá trập trùng không tên

Xuyên qua đó để thời gian ghi dấu.

Chợ phiên, dinh vua Mèo


Đến với Đồng Văn bạn cũng phải một lần đến thăm chợ phiên cuối tuần ở Mèo Vạc, không giống như những chợ truyền thống khác, nơi đây một tuần chỉ họp một lần duy nhất vào Chủ Nhật. Những người Hmong với những bộ quần áo xúng xính đẹp nhất của mình hoà trong bầu không khí nhộn nhịp của những trao đổi từ sâm đến hồi, quế hay những trái lê, trái táo đến thịt gà, thịt lợn, bún, phở…

Một lần đến đây bạn cũng nên dừng lại để ngẫm về những đổi thay của thời gian, hãy đến với Dinh họ Vương – dinh vua Mèo một thuở, nơi cuộc sống của hoàng tộc được thể hiện bởi sự sung túc và quyền lực tuyệt đỉnh. Một cung điện của lãnh chúa Hmong với tường dày 500mm, với rào đá xung quanh với 64 phòng ngủ cho vợ con, một nhà chứa thuốc phiện và cả một phiến đá lớn để chặt đầu kẻ phản bội.

Đến với Đồng Văn, bạn hiện mình giữa thiên nhiên, để nghe thiên nhiên thổn thức. Đó là tiếng thở dài của thời gian và của cả không gian nữa. Hình như mọi thứ chả có gì thay đổi qua bao thăng trầm của thời cuộc. Và cao nguyên đá Đồng Văn vẫn sừng sững ở đó: thổn thức với thời gian.
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment